Hiện nay, hệ thống thông quan VNACCS/VCIS trở nên phổ biến hơn. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc hiểu và sử dụng hệ thống thông quan mới này. Nhận thấy được vấn đề này, Indochinapost gửi đến khách hàng một số thông tin, kiến thức về hệ thống VNACCS/VCIS.
1. Hệ Thống VNACCS/VCIS là gì?
Hệ thống VNACCS/VCIS là hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia gồm 02 hệ thống nhỏ:
- Hệ thống thông quan tự động (gọi tắt là Hệ thống VNACCS)
- Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tình báo của Hải Quan Việt Nam ( Gọi tắt là hệ thống VCIS)
Hệ thống này thì bao gồm nhiều phần mềm:
- Khai báo điện tử (e-Declaration)
- Manifest điện tử (e-Manifest)
- Hóa đơn điện tử (e-Invoice)
- Thanh toán điện tử (e-Payment)
- C/O điện tử (e-C/O)
- Phân luồng (Selectivity)
- Quản lý hồ sơ rủi ro/Tiêu chí rủi ro
- Quản lý doanh nghiệp XNK
- Thông quan và giải phóng hàng
- Giám sát và kiểm soát
Phần mềm VNACCS/VCIS này được cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp. Nhưng để có thể sử dụng, doanh nghiệp cần phải đăng ký tài khoản, đăng ký tại cục Hải Quan gần nhất mà doanh nghiệp làm việc.
2. Tại sao phải sử dụng hệ thống VNACCS/VCIS? Ưu, nhược điểm là gì?
Ngày 14/02/2014 Bộ tài chính đã ban hành Thông tư 22/2014/TT-BTC quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/4/2014. Thông tư có những quy định mới theo hướng giảm thủ tục, giấy tờ cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
Ưu điểm:
- Tốc độ thông quan nhanh (sử dụng chữ ký số): Luồng xanh: mất 1-3 giây. Luồng vàng và đỏ thì phụ thuộc vào kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa.
- Hạn chế hồ sơ giấy: Doanh nghiệp đăng nhập trên phần mềm VNACCS/VCIS, và thông tin sẽ gửi trực tiếp đến hải quan.
- Không cần phải khai riêng trị giá: Hệ thống VNACCS hiện nay cho phép gộp 1 số chỉ tiêu của tờ khai trị giá theo phương pháp trị giá giao dịch và tờ khai nhập khẩu.
- Giảm bớt số loại hình xuất nhập khẩu: Hệ thống sẽ chuẩn hóa để giảm bớt số lượng mã loại hình XNK. Như vậy, việc tra cứu sẽ dễ dàng hơn cho người khai hải quan. Xem mã loại hình tại đây
- Không phân biệt loại hình mậu dịch và phi mậu dịch: Hai loại này thủ tục thông quan giống nhau, chỉ có hồ sơ chứng từ là khác biệt.
Nhược điểm:
- Một nhược điểm rõ ràng của việc khai báo hải quan qua phần mềm hệ thống này, đó là sự phức tạp do số lượng tiêu chí nhiều dễ gây nhầm lẫn, thiếu, sai. Người khai Hải Quan phải được đào tạo và thực hành thường xuyên để đảm bảo sự chính xác và tiến độ thông quan.
- Hàng giá trị thấp chưa được quy định cụ thể: Hệ thống VNACCS có mở rộng thêm thủ tục đối với hàng có giá trị thấp. Nhưng hiện nay, chưa có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn doanh nghiệp xác định được hàng hóa nào có giá trị thấp, khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định và khai báo trên hệ thống.
- Địa điểm lưu kho hàng chờ thông quan dự kiến và địa điểm tập kết hàng hóa xuất khẩu chưa được cập nhật đầy đủ: Đây là 1 điểm mới trong hệ thống VNACCS, khác biệt so với hệ thống E-Customs trước đó. Hơn nữa trong ô khai báo của hệ thống VNACCS vẫn chưa được cập nhật đầy đủ các mã địa điểm này. Điều này khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc khai báo lên cơ quan Hải Quan.
- Doanh nghiệp tốn nhiều chi phí giấy in tờ khai Hải Quan: Theo thông tư 22/2014/TT-BTC, cơ quan hải quan thực hiện việc in tờ khai. Mà trên tờ khai hải quan theo hệ thống VNACCS/VCIS thì chỉ được ghi thông tin của 1 mặt hàng, nếu doanh nghiệp có lượng hàng xuất nhập nhiều thì càng tốn nhiều tờ khai.
3. Quy trình vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS.
Dưới đây là các bước cơ bản để có thể sử dụng được hệ thống VNACCS/VCIS
- Bước 1: Đăng Ký sử dụng chữ ký số
- Bước 2: Đăng ký người sử dụng Hệ thống VNACCS/VCIS: Doanh nghiệp đăng ký trên Cổng TTĐT Hải quan tại dịch vụ ” Đăng ký người sử dụng Hệ thống VNACCS cho doanh nghiệp”
- Bước 3: Tải và cài đặt phần mềm đầu cuối
- Phần mềm do Tổng cục Hải Quan cung cấp miễn phí hoặc sử dụng phần mềm mất phí của các nhà cung cấp trên thị trường.
- Bước 4: Sử dụng phần mềm đầu cuối để thực hiện khai hải quan
Như vậy, để có thể sử dụng hệ thống được một cách hiệu quả, thuận lợi cho doanh nghiệp. Thì nên tăng cường việc trao đổi giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan, để khắc phục những khó khăn, những mặt hạn chế của việc khai báo trên hệ thống VNACCS/VCIS này. Đồng thời, các trung tâm đào tạo, huấn luyện, hay những trường đào tạo về ngành Hải quan này, nên đưa kiến thức về hệ thống VNACCS/VCIS này tới học viên. Để học viên sớm nắm bắt được cách thức khai báo hay vận hành, hoạt động của hệ thống.